Cách sử dụng máy rửa bát hiệu quả, bền lâu nhất gia đình bạn nên biết !
Máy rửa bát là một thiết bị đang ngày càng trở nên hữu dụng. Tuy nhiên, làm sao để sử dụng sản phẩm này được hiệu quả không phải ai cũng biết
1. Phân biệt các loại máy rửa bát hiện nay
Máy rửa bát mini
Máy rửa bát mini là dòng máy loại nhỏ thích hợp cho cá nhân thường sử dụng ít bát dĩa.
Máy có kích thước nhỏ gọn nên dễ lắp đặt và tiết kiệm diện tích không gian cho căn bếp, máy thường chỉ có kích thước ngang bằng chiếc lò vi sóng cỡ lớn.
Dòng máy rửa bát này có thể rửa được 6 bộ bát với 4 - 6 chương trình tùy vào model, rửa sạch, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian cho bạn.
Máy rửa bát độc lập
Máy rửa bát độc lập có thiết kế kiểu thùng đứng, có thể linh hoạt lắp đặt ở mọi vị trí trong bếp như kế bên tủ lạnh, kệ bếp... nó không kén bất kì không gian nào. Máy rửa bát độc lập như một chiếc tủ lạnh mini nên được nhiều người dùng ưa chuộng.
Máy có thể rửa từ 8 đến 16 bộ bát, rất phù hợp cho gia đình đông người hay những lúc tiệc tùng nhỏ mời bạn bè người thân vào dịp cuối tuần.
Máy rửa bát bán âm
Máy rửa bát bán âm là dòng máy rửa bát thiết kế chìm âm tủ nhưng có một phần hở lộ ra ngoài. Đó là phần phía bên trên cánh cửa, đây là nơi chứa toàn bộ hệ thống điều khiển của máy.
Ngoài ra, với dòng máy rửa bát bán âm này, thân máy được lắp đặt nằm trong tủ, kệ bếp, giúp tiết kiệm không gian thêm phần rộng rãi hơn.
Máy rửa bát âm tủ
Máy rửa bát âm tủ có các tính năng và đặc điểm về hình dáng, kích thước gần giống như máy rửa bát độc lập, sự khác biệt là nó được lắp âm vào tủ bếp, kệ bếp, vì vậy bạn phải tính toán kỹ lưỡng kích thước của máy trước khi mua để phù hợp với không gian bếp.
Máy rửa bát âm tủ được đặt mua và lắp đặt trong quá trình xây dựng phòng bếp, cho bạn một không gian nội thất đẹp và hiện đại. Máy có thể rửa được 10 - 14 bộ bát dĩa và xoong nồi một lần với nhiều chương trình từ thông thường đến sấy, làm bóng.
2. Hướng dẫn cách sử dụng máy rửa bát
Các bước thực hiện máy rửa bát bắt đầu chạy
Để sử dụng máy rửa bát được hiệu quả, mời các bạn thực hiện theo những bước sau:
Bước 1: Kiểm tra xem khoang chứa muối còn hay hết. Nếu không còn, bạn phải đổ thêm muối vào khoang để làm mềm nước khi máy hoạt động.
Bước 2: Xếp bát đĩa bẩn cần rửa vào giá đỡ của máy. Đặc biệt chú ý phải xếp nghiêng bát đĩa theo chiều hoạt động của máy. Nếu sai chiều, máy sẽ không thể hoạt động để làm sạch bát đĩa hoàn toàn.
Bước 3: Cho nước rửa bát hoặc chất tẩy rửa vào khoang chứa của máy.
Bước 4: Chọn chức năng rửa tùy theo số lượng bát đĩa cần rửa và tùy vào mức độ sạch bẩn của đồ dùng để bạn chọn chương trình tương ứng. Sau đó, nhấn nút Start để máy bắt đầu làm việc.
Sử dụng đúng bột dùng cho máy rửa bát
- Nước bóng: Giúp làm tăng độ bóng sáng, sạch sẽ, khô ráo cho bát đĩa, đồ thủy tinh trong đẹp, không đọng vết nước khô trên bề mặt.
- Muối làm mềm nước (bột): Giúp làm mềm hóa nước, giảm độ cứng của nước, giảm và ngăn cản sự đóng cặn, vôi hóa của tạp chất tích tụ ống nước khi sử dụng máy.
- Bột rửa, viên rửa (dạng rắn): Dùng để tẩy rửa bát đĩa với máy, giúp làm sạch bát đĩa thay cho nước rửa bát.
Cách thêm bột vào máy rửa bát
Bước 1: Nếu bạn mới sử dụng máy lần đầu, thì nên đổ muối làm mềm nước vào máy khoảng 1 hộp 1.2 kg vừa đầy và đậy nắp lại. Khi đổ muối không đủ lượng vào máy, đèn báo cho chỉ số muối sẽ chuyển sang màu đỏ và bạn cần thêm muối.
Nếu đổ sai vị trí, chỉnh máy ở chế độ “Pre-rinse” để loại bỏ muối ra khỏi máy và đổ lại cho đúng.
Bước 2: Cho nước bóng vào ngăn chứa chuyên dụng, đến mức Max tầm 50 ml và đến khi đổ đủ lượng, đèn báo nước bóng sẽ tắt.
Bước 3: Hãy cho viên rửa vào vị trí đặt chất tẩy rửa chuyên dụng và cho bột rửa vào ngăn chứa lượng vừa đủ, đậy nắp lại trước khi bắt đầu chương trình rửa bát.
Cách thêm bát đĩa vào máy rửa bát
- Với bát đĩa: Bạn không cần tráng qua nước nhưng phải loại bỏ thức ăn thừa như xương, rau... trước khi đưa vào máy, để tránh gây tắc nghẽn bộ lọc, lỗ phun nước, dễ làm máy hư hỏng.
- Với nồi chảo có vết cháy thức ăn: Cần ngâm vào nước ấm trước rồi mới đặt vào ngăn dưới của máy rửa bát.
- Khi rửa ít bát đĩa: Bạn hãy dùng “chương trình rửa nửa tải” hoặc chương trình tương tự để tiết kiệm điện, nước. Lưu ý, bạn không nên rải bát đĩa vào các ngăn mà chỉ nên đặt vào 1 ngăn và các ngăn khác nên để trống.
3. Những lưu ý khi sử dụng máy rửa bát
Không sử dụng quá nhiều bột rửa bát
Hiện nay, nhiều loại nước rửa bát đều được pha trộn thêm các thành phần tạo bọt nhằm giúp làm sạch bát đĩa hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên dùng 1 lượng vừa phải khi cho vào máy.
Nếu cho quá nhiều nước rửa bát sẽ khiến tạo bọt nhiều, khi đó lượng bọt này dâng cao tràn ra khỏi máy và có khả năng gây hư hại hệ thống máy rửa bát .
Không để máy chạy quá tải
Không nên nhồi nhét quá nhiều bát đĩa vào máy, điều này sẽ gây quá tải lên hệ thống khiến máy phải hoạt động quá công suất làm máy nhanh xuống cấp.
Hơn nữa, với lượng bát đĩa quá nhiều sẽ không còn chỗ trống cho các vòi phun nước bên trong hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến chén bát không sạch và còn tốn thêm nhiều thời gian.
Nên quay mặt đĩa, bát bẩn vào hướng vòi phun
Bạn nên để mặt đĩa dơ tiếp xúc đối diện hoặc hướng về vòi xịt nước trong máy rửa bát, sẽ giúp vòi phun nước tiếp xúc trực diện và rửa sạch các chất bẩn dầu mỡ tốt hơn hẳn.
Nếu bạn quay ngược mặt ngoài ra thì sau khi kết thúc chu trình rửa của máy, bạn sẽ thấy ngay vụn thức ăn thừa còn bám dính trên thành bát đĩa.
Không xếp chung đũa muỗng trộn lẫn với bát đĩa
Nếu bạn không phân loại xếp riêng lẻ từng loại đũa muỗng và bát đĩa sẽ khiến chúng rối lên trong khoang máy khi máy vận hành. Điều này dẫn đến luồng nước phun trong máy sẽ không đến được các ngóc ngách làm sạch vụn thức ăn, dầu mỡ.
Không đặt vật dụng làm cản phần phun nước
Để máy được vận hành tốt nhất, bạn không nên đặt các vật dụng làm cản phần phun nước xoay khi máy đang hoạt động, cần đảm bảo rằng các cánh tay phun nước có thể quay bình thường và không có bất cứ vật cản nào.