Tại sao không được rửa chảo chống dính ngay sau khi nấu?
1.Tại sao không được rửa chảo chống dính ngay sau khi nấu?
Một cái chảo đang nóng mà bị đổ nước lạnh vào sẽ khiến nó bị sốc nhiệt dẫn đến cong vênh chảo, nếu tình trạng kéo dài liên tục sẽ giảm tuổi thọ chảo.
Ngoài ra, do lòng chảo chống dính thường gồm nhiều lớp, việc đổ nước lạnh vào lòng chảo dễ khiến các phân tử ở lòng chảo co giãn không đều - lớp chống dính tiếp xúc với nhiệt độ lạnh co lại, trong khi các lớp kim loại bên trên vẫn đang ở nhiệt độ nóng, phân tử vẫn đang giãn ra.
Do sự co giãn không đều đó khiến lớp chống dính dễ bị bong tróc, biến dạng, từ đó phân phối nhiệt không đồng đều, mất khả năng chống dính, thức ăm bám dính khó chùi rửa hơn, đồng thời không đảm bảo vệ sinh khi vụn chống dính lẫn vào thức ăn. Vì thế, hãy chờ nồi chảo nguội rồi mới rửa nhé.
2.Làm thế nào để bảo vệ lớp chống dính bề mặt chảo?
- Vệ sinh chảo mới mua về bằng vải mềm và nước rửa chén. Quét lớp bột cà phê lên mặt chảo và hâm nóng, tái bảo dưỡng như thế sau 10 - 12 lần dùng.
- Nên đổ dầu hay bơ thực vật vào chảo trước khi bắc lên bếp, không nên đợi chảo nóng mới cho vào dễ khiến chảo bị sốc nhiệt gây bong tróc lớp chống dính.
- Không nêm mắm hay muối trực tiếp vào mặt chảo đang nóng sẽ làm rỗ bề mặt chống dính.
- Không dùng dụng cụ nấu ăn bằng kim loại hay có độ sắc nhọn trên mặt chảo chống dính.
- Luôn vệ sinh bằng miếng cọ rửa mềm, không có thành phần kim loại.
- Tránh để các dụng cụ hay nồi chảo khác trên mặt chảo chống dính.
Dù sử dụng chảo chống dính chất lượng tốt nhưng lớp chống dính thường cũng chỉ có tuổi thọ khoảng 3 năm (nếu được bảo quản tốt). Vì vậy, sau khoảng thời gian này người dùng nên thay mới chảo chống dính để đảm bảo an toàn khi sử dụng.